Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Việt Nam vẫn chưa có các tiêu chuẩn về thiết kế Facade

Façade là hệ thống lớp vỏ bao che các công trình. Nhiều năm trước, gạch nung là lựa chọn chính cho lớp vỏ này. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực như ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất, hệ số hấp thụ nhiệt cao buộc phải tiêu tốn nhiều năng lượng để làm mát công trình vào mùa hè khiến gạch nung không còn là lựa chọn phổ biến trong việc tạo hệ thống bao che tòa nhà. 

Hội thảo quốc tế “Façade – The face of town” đã nêu bật các thực trạng bất cập của Façade (hệ thống bao che tòa nhà) tại Việt Nam

Tại hội thảo “Façade – The face of town” diễn ra vào ngày 21/12 vừa qua, tiến sĩ Nguyễn Đại Minh, Viện Khoa học công nghệ xây dựng cho biết, vào thập niên 90 của thế kỷ trước, các công trình xây dựng dân dụng ở Việt Nam thường không sử dụng các kết cấu bao che đắt tiền. Từ thập niên đầu thế kỷ 21 đến nay, sự bùng nổ của thị trường bất động sản khiến các công trình cao tầng mọc lên ngày càng nhiều tại các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng… Các công trình đã sử dụng kết cấu bao che với các loại vật liệu: nhôm, kính, đá, GFRC… Đến nay, hệ kết cấu bao che đã và đang được sử dụng phổ biến cho nhiều công trình tại Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Vũ Thành Trung, Viện Khoa học Công nghệ thì các hệ kết cấu bao che được thiết kế chủ yếu dựa trên các tiêu chuẩn nước ngoài. Dù thị trường xây dựng phát triển mạnh nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có các tiêu chuẩn chuyên về thiết kế hệ thống bao che và cũng chưa có các tiêu chuẩn, chỉ dẫn chuyên về nghiệm thu hệ thống này.

Ngoài ra, tiến sĩ Trung nhấn mạnh, đến nay nước ta cũng chưa có hệ thống quản lý chất lượng hệ kết cấu bao che cho các công trình. Cán bộ kỹ thuật cho công tác quản lý, thiết kế, thi công, nghiệm thu và bảo trì còn thiếu và chưa được đào tạo bài bản. Các phòng thử nghiệm các vật liệu (nhôm, kính, đá ốp, GFRC…) cũng chưa đầy đủ các thiết bị thử nghiệm.

Tại hội thảo, ông Chris Bosse, Giám đốc Lava Asia Pacific ví von façade – hệ thống bao che của các tòa nhà giống như đôi mắt con người, là cửa sổ tâm hồn của tòa nhà đó. Tuy nhiên, một thực tế là ngày càngnhiều thành phố trên thế giới trở nên giống nhau do bản sắc, cá tính của thành phố bị loại bỏ bằng các giải pháp chung về kết cấu bao che. Ông Chris Bosse cho rằng, việc xây dựng các kết cấu bao che hiệu quả nhất ngoài đảm bảo các yếu tố về môi trường, an toàn thì cần chú trọng đến yếu tố bản sắc, tức là chỉ cần khi nhìn vào kết cấu hệ thống là biết đến văn hóa, con người của xứ sở, vùng đất đó.

Thúy An

0 nhận xét:

Đăng nhận xét